Tai nạn lao động có xu hướng tăng cao

Ngày 24/4/2017, buổi họp báo Tháng Hành động về An toàn – Vệ sinh lao động lần thứ I được diễn ra tại Hà Nội. Tham dự họp báo còn có ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng đã có báo cáo về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2016. Theo số liệu tổng hợp báo cáo cho thấy, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ TNLĐ làm 8.251 người bị nạn. Trong đó số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 106 vụ, số người chết là 862 người, số người bị thương nặng là 1.952 người, nạn nhân là lao động nữ là 2.371 người.

So với năm 2015, năm 2016 trong khu vực có quan hệ lao động số vụ TNLĐ giảm 0,42% nhưng tổng số nạn nhân tăng 0,27%, số người chết tăng 6,75%, số người bị thương nặng tăng 8,86%.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2016 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình và Quảng Trị. Các địa phương trên có tống số người chết vì tai nạn lao động là 504 người, chiếm 59,2% tổng số người chết vì TNLĐ trên toàn quốc.

Liên quan đến tính xác thực của số liệu các vụ tai nạn lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng hiện còn có độ vênh so với thực tế bởi có nhiều trường hợp, người chủ sử dụng lao động thoả thuận bồi thường với phía gia đình người bị nạn để không khiếu kiện hoặc thông báo với cơ quan chức năng.

Sập giàn giáo khu công nghiệp Formosa

Theo đánh giá, tai nạn lao động có xu hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân chính vẫn là do vấn đề an toàn lao động chưa được chú trọng đúng mức và do sự chủ quan của người làm việc.

Trước hết, đó là do chính các thiết bị không bảo đảm an toàn, hoặc do điều kiện làm việc không tốt. Tại những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ thì điều kiện thiết bị công nghệ lạc hậu. Trang, thiết bị an toàn thiếu hoặc không bảo đảm yêu cầu. Đặc biệt, nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ) nhưng chưa được kiểm tra, đăng ký sử dụng. Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động.

Chủ đề tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”

Trước thực trạng tai nạn lao động ngày càng gia tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng, bệnh nghề nghiệp ngày càng phức tạp, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động lần đầu tiên được tổ chức sẽ có chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”

Năm 2017 là năm đầu tiên tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động vào tháng 5. Thành phố Hà Nội là địa phương đăng cai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017. Lễ phát động Tháng hành động được tổ chức vào ngày 6/5 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt xô (Hà Nội) với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp, cơ sở.

Nguồn: Bộ lao động thương binh và xã hội

Bài viết liên quan